Trúc Lâm Thất Hiền

    Trúc Lâm Thất Hiền (竹林七賢) là từ dân gian thường dùng gọi 7 vị học giả thời Tây Tấn do chán cảnh sống gian dối, hèn hạ, quan liêu của triều đình mà thường lui tới tụ tập trong rừng trúc ở mạn Sơn Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay. chữ "Hiền" được dùng ở đây mang nghĩa "tài năng và đức hạnh", nghĩa là bảy người có tài và đức ở rừng trúc, họ gồm:

  1. Nguyễn Tịch
  2. Kê Khang 
  3. Lưu Linh
  4. Sơn Đào
  5. Hướng Tú
  6. Vương Nhung
  7. Nguyễn Hàm

1. NGUYỄN TỊCH (210 – 263):
    Nguyễn Tịch (阮籍), tự Tự Tông (嗣宗), người Trần Lưu (nay là Khai Phong, Hà Nam), con của Nguyễn Vũ, một trong Kiến An Thất tử, từng làm chức Bộ binh giáo úy.
    Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí mở rộng, tự nhiên, một mình độc lập, phóng túng tự do, mà mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thủy hàng mấy ngày quên trở về.
    Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà thích nhứt là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử.
    Ông thích uống rượu, biết thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hóa. Người đời cho ông có si tính hay máu điên.
    Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu.
    Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai họa, bảo trọng lấy thân mà thôi.
Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm “Vịnh Hoài” của ông, một tập thơ bất hủ gồm 82 bài thi, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn đến độ mãnh liệt.
Nguyễn Tịch có viết sách “Đạt Trang Luận”, trong đó, ông xác định Triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhứt trong sai thù.
    Nguyễn Tịch có cặp mắt rất đặc biệt, khi vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, còn không vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt trắng. Khi mẹ Nguyễn Tịch mất, ông Kê Hỷ mang đồ lễ đến viếng, Nguyễn Tịch tiếp nhìn với đôi mắt trắng dã. Hỷ ra về mà bụng không bằng lòng. Em của Kê Hỷ là Kê Khang nghe biết chuyện đó, mới mang rượu và cắp đàn đến, thì Tịch rất vui, vừa ý lắm, tiếp Kê Khang với đôi mắt xanh.
    Năm thứ tư đời Cảnh nguyên, tức là năm 263, Nguyễn Tịch mất, hưởng được 54 tuổi.
Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi.

2. KÊ KHANG (223 – 263):
    Kê Khang (嵇康), tự Thúc Dạ (叔夜), người quận Tiếu (nay là Tuy Khê, An Huy), sớm mồ côi, có kỳ tài, thân hình cao lớn, có phong nghi, thiên chất tự nhiên, tánh tình điềm đạm, ít ham muốn, khoan dung giản dị, từng làm quan chức Trung tán đại phu.
    Ông tự học mà giỏi, sở trường về cái học Lão Trang.
    Ông trước tác được hai bộ sách: Thích Tứ LuậnThanh Vô Ai Lạc Luận. Trong hai cuốn sách nầy, ông lấy chủ nghĩa tự nhiên để bài bác học thuyết của Nho gia.
    Ông quan niệm nhân cách của người quân tử có được không phải lấy lễ giáo bên ngoài mà uốn nắn con người, đẽo gọt thiên nhiên. Ông cũng chống lại tất cả các suy luận trí thức về phải trái, đúng sai. Ông chỉ cốt làm sao cho được Tâm hư để noi theo Tánh mà sống, vì tự nhiên chính là đạo lý.
    Sách Thế Thuyết có kể chuyện rằng: “Chung Hội (225-264) làm quan, làm tướng, có viết sách, lấy làm tiếc vì chưa có dịp gặp Kê Khang, cho nên ngày kia, Chung Hội cùng với vài người thân tín đến viếng Kê Khang.
    Sở thích của Kê Khang là rèn đồ kim khí. Chung Hội đến thì thấy Kê Khang đang rèn sắt dưới gốc cây lớn. Hướng Tú thì giúp Kê Khang thổi ống bể, còn Kê Khang thì vẫn tiếp tục đập sắt như không có khách đến. Chung Hội bị bẽ mặt, đứng nhìn một lát rồi bỏ đi.
    Kê Khang hỏi:
    – Đã nghe gì mà tới? Đã thấy gì mà đi?
    Chung Hội đáp:
    – Tới vì nghe cái đã nghe, đi vì thấy cái đã thấy.
    Người đời Tấn rất thích cái vẻ đẹp thể chất và tinh thần của Kê Khang. Người ta sánh ông với núi ngọc hoặc cây tùng.
    Có lẽ vì vậy mà Chung Hội mới nói đã nghe và đã thấy.
    Trước kia, có một hôm, Kê Khang đi chơi ở đất Lạc Tây, trọ ở Hoa Dương Đình, đêm ngồi khảy đàn, chợt có một người khách đến tự xưng mình là người thời cổ, rồi cùng Kê Khang bàn luận âm luật, lời lẽ rành rọt thấu đáo lắm. Nhân đó, ông khách truyền cho Kê Khang khúc nhạc Quảng lăng tán, dặn Kê Khang không truyền cho ai khác.
    Về sau, khi Kê Khang bị Tư Mã Chiêu đem ra hành hình ở phía chợ đông, Kê Khang quay nhìn bóng mặt trời rồi cầm đàn gảy nói rằng:
    – Trước kia khúc Quảng lăng tán nầy có người tên Viên Hiếu Nê thường theo ta để học nhưng ta không truyền được, nay khúc Quảng lăng tán nầy từ nay mất đi.
    Kê Khang bị Tư Mã Chiêu giết chết năm ông được 40 tuổi.
    Các nhà phê bình đều cho rằng: thơ của Nguyễn Tịch và của Kê Khang ý tứ rất khác nhau. Thơ của Nguyễn Tịch thì ý chỉ thâm thúy, của Kê Khang thì khí vận tuấn thanh. Tài hoa của Nguyễn Tịch thì như mùa Xuân thơm ngát, còn tâm tình của Kê Khang như mùa Thu trong trẻo. Nhưng có điều, là Nguyễn Tịch dùng cái cuồng để làm kế bảo toàn tấm thân, còn Kê Khang lại bị cái cuồng mà phải sát thân.

3. LƯU LINH (220 – 300):
    Lưu Linh (刘伶), tự Bá Luân (伯伦), người đất Bái (nay là huyện Túc, An Huy), thân hình xấu xí, phóng tình tứ chí, thường lấy sự coi nhỏ vũ trụ xem bằng muôn vật làm tâm, lạnh nhạt ít lời, không quen giao du, cùng với Nguyễn Tịch và Kê Khang tương ngộ, tinh thần hớn hở, dắt tay vào rừng. Lúc đầu không chút ý kiến gì về tài sản có không nói: “Ta chết chôn cho ta.” Đấy khinh bỏ thân thể đến thế.
    Lưu Linh hay uống rượu, nổi tiếng về rượu hơn hết trong Trước lâm Thất Hiền, uống rượu bao nhiêu cũng không say.
    Một hôm, ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và đập bể vò rượu, khóc mà can rằng: “Ông uống rượu nhiều quá, không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi.” (Nhiếp sinh là thu nhiếp tinh thần để nuôi sức khỏe).
Lưu Linh nói: “Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỉ thần lên để thệ nguyện mới được. Vậy phải đủ rượu thịt làm lễ chứ!
Vợ liền nghe lời, lo sắm sửa đủ các thứ.
Xong, Lưu Linh bèn quì mà khấn rằng:
天 生 刘 伶
以 酒 为 名
一 饮 一 斛
五 斗 解 酲
妇 人 之 言
慎 不 可 听
Phiên âm:
Thiên sinh Lưu Linh
Dĩ tửu vi danh
Nhất ẩm nhất hộc
Ngũ đấu giải trình
Phụ nhân chi ngôn
Thận bất khả thính

Tạm dịch: 

Trời sinh Lưu Linh,
Lấy rượu làm danh,
Mỗi lần một vò,
Năm đấu mới say,
Lời nói đàn bà,
Cẩn thận đừng nghe.

Khấn xong thì đem rượu thịt ra, ăn uống li bì, say say tỉnh tỉnh.
Tuy Lưu Linh mê man phóng túng, nhưng khi gặp việc thì ứng biến chẳng sai, ít khi thác ý vào văn thơ, duy có làm bài phú “Tửu đức tụng” nổi tiếng, ca tụng người uống rượu.
酒德颂
有大人先生以天地為一朝,以萬期為須臾,日月為扃牖,八荒為庭除。行無轍跡,居無室廬,幕天席地,縱意所如。止則搖厄執孤,動則挈榼提壺,唯酒是務,焉知其餘。有貴介公子,縉紳處士,聞吾風聲,議其所以,陳說禮法,是非 起,奮袂攘襟,怒目切齒。先生於是方捧甖承槽,銜杯嗽醪,奮髯箕踞,枕麴藉糟,無思無慮,其樂陶陶。兀然而醉,恍爾而醒。靜聽不聞雷霆之聲,熟視不見泰山之形。不覺寒暑之切肌,嗜欲之感情。俯觀萬物,擾擾焉如江海之載浮萍。二豪侍側焉,如螺蠃之與螟蛉。
Phiên âm:
Tử Đức Tụng
Hữu đại nhân tiên sinh giả. dĩ thiên địa vi nhất triêu, vạn triêu vi tu du, nhật nguyệt vi quynh dũ, bát hoang vi đình cù. Hành vô triệt tích, cư vô thất lư, mộ thiên tịch địa, tùng ý sở như. Chỉ tắc thao chi chấp cô, động tắc khiết đề hồ, duy tửu thị vụ, yên tri kỳ dư?
Hữu quí giới công tử, tấn thân xử sĩ, văn ngô phong thanh, nghị kỳ sở dĩ. Nãi phấn mệ nãng khâm, nộ mục thiết xỉ, trần thuyết lễ pháp, thị phi phong khởi. Tiên sinh vu thị phưong phủng anh thừa tào, hàm bôi sấu dao. Phấn nhiêm ky cứ, chẩm khúc tạ tao, vô tư vô lự, kỳ lạc đào đào, ngột nhiên nhi tuý, khoát nhiên nhi tỉnh. Tĩnh thính bất văn lôi đình chi thanh, thục chi bất thị Thái sơn chi hình, bất giác hàn thử chi thiết cơ, lợi dục chi cảm tình. Phủ quan vạn vật, nhiễu nhiễu yên như Giang Hán tam tái phù bình; nhị hào thị trắc yên, như quả loả dữ minh linh.
Dịch nghĩa:
    Ca ngợi đức hạnh của rượu
    Có một tiên sinh đại nhân lấy trời đất làm một buổi, muôn năm làm chốc lát, lấy mặt trăng, mặt trời làm cửa ngõ, lấy thiên hạ làm sân, làm đường: đi không thấy vết xe, ở không cần nhà cửa, màn trời, chiếu đất, thích thế nào thì làm thế. Lúc ở thì nâng chén, cầm bầu. Lúc đi thì vác chai, xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không thèm biết đến gì nữa.
    Có một công tử và một vị quan sang nghe tiếng tiên sinh như thế bèn tìm đến. Kẻ thì trừng mắt, nghiến răng, người thì giảng giải lễ phép, lời phải trái ầm ĩ, xôn xao như đàn ong vậy. Lúc đó, tiên sinh liền ôm vò, ghé vào thùng rượu, tợp một chén, mồm đầy những rượu, vểnh râu, dạng chân gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ, không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưởng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh.. Lắng tai, cũng không nghe tiếng sấm sét. Nhìn kỹ, cũng không thấy hình núi Thái Sơn. Nóng, rét đến thân không biết, lợi dục cảm đến tình cũng không hay. Cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào như bèo nổi bập bềnh trên sông Giang, sông Hán. Huống nữa, hai vị xin đứng cạnh, tiên sinh, bấy giờ xem cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi

    Đây là những tư tưởng tự nhiên rút ra ở hệ thống xuất thế của Lão Trang, đem vào đời sống nghệ thuật đến mức cực đoan. Lưu Linh mượn rượu để quên đời, quên cả hình hài để sống với một tâm trạng siêu thần nhập hóa giả tạo. Phải chăng hoàn cảnh lịch sử xã hội thời đó đã gây ra không khí quá bi quan như thế?

    Lưu Linh thường hay quá chén, phóng túng, cởi bỏ quần áo, trần truồng trong nhà. Người đời thấy vậy thì chê cười. Lưu Linh nói: “Ta lấy Trời Đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, các ông sao lại chui vào quần áo của ta?
    Lưu Linh dẫu sống phóng túng, buông thả, nhưng vẫn ý thức cái gì là của Trời Đất, cái gì là của thiên hạ.

4. SƠN ĐÀO (205 – 283):
    Sơn Đào (山涛), tự Cự Nguyên (巨源), người huyện Hoài, đất Hà Nội, đời nhà Tấn (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Từ nhỏ, tánh tình ông rất chất phác, nhưng học thức hơn người, được nhiều học giả danh vọng trong vùng kính trọng, thế mà đến 40 tuổi, Sơn Đào vẫn là một viên quan nhỏ giữ chức Chủ Bạ trong quận.
Sơn Đào chơi thân với Nguyễn Tịch và Kê Khang.
    Vợ Sơn Đào là Hàn Thị thấy ba người chơi thân với nhau thì hỏi dò chồng. Sơn Đào đáp:
    – Đó là hai người riêng ta có thể chơi thân.
    Hàn Thị muốn biết rõ hai người bạn đặc biệt nầy của chồng, nên sửa soạn một tiệc rượu để chồng đãi đằng hai bạn, còn Hàn Thị thì núp trong màn nhìn ra quan sát, buổi tiệc kéo dài suốt đêm, Hàn Thị cũng thức suốt đêm để theo dõi.
    Sáng hôm sau, Sơn Đào vào phòng hỏi vợ:
    – Nàng nghĩ sao về hai người bạn đó?
    Hàn Thị đáp:
    – Về tài hoa thì chàng không bằng họ, nhưng về trí thức thì chàng đáng là bạn của họ.
    Sơn Đào nói:
    – Chính họ cũng cho cái biết của ta là cao hơn.
    Về sau, Sơn Đào cũng được điều về kinh đô, giữ chức: Thượng Thư Lại Bộ Lang. Lúc ấy Ngụy đế là Tào Phương vừa nhỏ tuổi vừa bất tài, triều chính lọt vào tay Thái Úy Tư Mã Ý và Đại tướng Tào Sảng. Hai người nầy kết bè kết đảng định tiêu diệt phía đối phương mà độc chiếm quyền hành.
    Sơn Đào nhìn thế cuộc biết chắc thế nào Tào Sảng cũng phải thua Tư Mã Ý, vì Tào Sảng lỗ mảng ngang ngược, kém mưu trí hơn Tư Mã Ý nhiều.
Sơn Đào không muốn dính vào vòng đấu tranh của hai người ấy, nên thường ẩn cư, ít giao thiệp với các triều thần.
    Mỗi khi cao hứng, Sơn Đào thường mời các danh sĩ như: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Hướng Tú, Vương Nhung vào trong rừng trúc rong chơi, uống rượu và bàn lẽ huyền vi của Trời Đất, gác ngoài tai mọi việc ở đời.
Trong Trúc lâm Thất Hiền thì Kê Khang là người có tiếng tăm và tài hoa cao nhứt, dám khinh miệt cả bọn quyền quí, làm Sơn Đào rất bội phục.
    Sau nầy, khi Sơn Đào làm ở Bộ Lại, có dâng thơ tiến cử Kê Khang. Kê Khang chán ghét bọn quan lại tham ô nên không hề có ý muốn ra làm quan, nay biết được Sơn Đào dâng thơ tiến cử mình, Kê Khang nổi giận liền viết một bức thơ “Tuyệt giao Sơn Đào”, mỉa mai Sơn Đào còn ham danh lợi và tuyên bố tuyệt giao với Sơn Đào. Sơn Đào rất hiểu rõ tánh ý của Kê Khang nên không hề hờn giận.
    Sau nầy, Kê Khang bị Chung Hội và Lữ Tấn vu oan, Tư Mã Chiêu tin Chung Hội nên giết chết Kê Khang. Con của Kê Khang là Kê Thiệu bơ vơ không nơi nương tựa, được Sơn Đào lo lắng chăm sóc.
    Năm 265, con của Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm chiếm lấy chánh quyền, phế bỏ triều Ngụy của họ Tào, lên làm vua, lập ra nhà Tấn, Sơn Đào lại dâng thư tiến cử Kê Thiệu: “Cha có tội không liên quan gì đến con, Kê Thiệu gồm đủ đức tài, xứng đáng được trọng dụng.” Tư Mã Viêm chấp nhận, phong Kê Thiệu chức Bí Thư Thừa.
    Sơn Đào giỏi nhận xét nhân tài, trong hơn 20 năm ông làm việc ở Bộ Lại, ông tiến cử lên triều đình nhiều hiền tài. Trong triều có quyền thần Giả Sung, thường kéo bè kết đảng để củng cố thế lực, khen ngợi tên tâm phúc Lục Lượng trước mặt Tư Mã Viêm, rằng Lục Lượng có tánh tình trung hậu, chí công vô tư, nên xin cho Lục Lượng được cùng với Sơn Đào làm chức Tuyển Quan. Tư Mã Viêm đồng ý.
    Sơn Đào thì phản đối việc nầy, vì biết Lục Lượng chỉ là tên có tài nịnh hót chớ không có thực tài, không xứng đáng với chức Tuyển Quan. Ít lâu sau, quả nhiên tên Lục Lượng nhận hối lộ, bị phát hiện nên bị cách chức. Do đó, Tư Mã Viêm càng trọng tư cách của Sơn Đào.

5. HƯỚNG TÚ (221 – 300):
    Hướng Tú (向秀), tự Tử Kỳ (子期), người huyện Hoài, quận Hà Nội, cùng quê với Sơn Đào.Thuở nhỏ đã quen biết Sơn Đào. Hướng Tú rất thông tuệ, hiểu biết rất sâu xa, theo cái học của Lão Trang. Ông cùng với Quách Tượng đã chú giải sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử, vì lâu nay trải quan nhiều thế hệ của Đạo gia, nhưng chưa có ai luận bàn về tôn chỉ và hệ thống hóa sách ấy cả.
    Hướng Tú bàn và giải thích thêm những ý nghĩa sâu kín, phát minh thêm ý lạ, làm nổi dậy phong trào Huyền học.
    Người đương thời đọc sách ấy thì siêu nhiên tâm ngộ, chẳng ai không mãn nguyện.

6. VƯƠNG NHUNG (234 – 305):
    Vương Nhung (王戎), tự Tuấn Trùng (濬沖), người Lâm Nghi, Lang Tà (nay là Lâm Nghi, Sơn Đông), Tây Tấn đại thần, làm quan tới Tư đồ, tước An Phong hầu (安豐侯), nên còn gọi Vương An Phong (王安豐).
    Vương Nhung có một đứa con vừa mới chết, bạn của Vương Nhung là Sơn Giản đến viếng. Vương Nhung không cầm được nước mắt. Sơn Giản nói:
    – Chỉ là đứa bé con, cớ sao lại khóc?
    – Thánh nhân thì quên tình, thứ dân thì không biết tới, chỉ như bọn ta mới có nhiều tình.
    Sơn Giản tán đồng, rồi cũng khóc theo.
    Lời nói của Vương Nhung cắt nghĩa rất rõ tại sao nhiều Huyền học gia lại rất lưu tâm đến thuyết Chủ tình.
    Trong nhiều trường hợp, không phải vì sự được mất của bản thân mà họ tỏ ra vui buồn, mà chính trong cái cảnh tượng chung của cuộc sống hay của Trời Đất.

7. NGUYỄN HÀM:
    Nguyễn Hàm (阮咸), tự Trọng Dung (仲容), người Trần Lưu, cháu của Nguyễn Tịch, làm quan tới chức Thái thú Thủy Bình. Ông là cháu của Nguyễn Tịch, gọi Nguyễn Tịch bằng chú.     Hai người họ Nguyễn nầy đều thích uống rượu. Mỗi khi gặp nhau, họ không cần lấy chén mà uống, chỉ ngồi quanh vò rượu mà uống trong vò. Có khi mấy con heo khát nước chạy đến, thì họ cho heo cùng uống với họ.
    Đấy là tình cảm cốt yếu của hạng người phong lưu, muốn sống với tinh thần nghệ sĩ, với ý thức bình đẳng, không phân biệt giữa họ và vật trong Trời Đất.


Tình Ca (Phạm Duy)

    “Tình Ca”, một trong những tác phẩm tiêu biểu của cố nhạc sỹ Phạm Duy viết về đất nước. Tác phẩm được ông viết năm 1953 với mơ ước lớn lao về một sự gắn kết con người Việt Nam trên quê hương, đất nước.

    Sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời… Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi.


    Bằng tài năng của mình, ông đã miêu tả những gì đặc sắc nhất của quê hương đất nước qua 3 đặc điểm đặc trưng: tiếng nói, địa hình và con người, ông nói: “Tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi và yêu người nước tôi”. Đố cũng chính là 3 thứ bản sắc cốt lõi của dân tộc Việt, không trùng lặp với bất cứ một quốc gia, một dân tộc nào khác.

Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản Tình Ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.” - ông viết trong hồi ký

    Tình yêu đó bắt nguồn từ vô thức, trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người, từ tiếng khóc chào đời, từ lời ru của mẹ:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.
    Lời ru của mẹ dịu dàng, trầm bổng, ngọt ngào đưa con trẻ vào những giấc mơ an lành. Lời ru ấy, đôi khi thật là khó hiểu, mơ hồ và xa vời với tâm hồn non nớt của đứa trẻ, nhưng cũng chính những lời ru ấy đưa đứa trẻ vào những giấc mơ, những tưởng tượng, bay bổng của thời thơ ấu, có cánh cò, con vạc, lũy tre...
    Tiếng nói ấy, cũng chính là tiếng của ông cha, xuyên suốt bốn nghìn năm lịch sử, từ thuở sơ khai đi cùng những thăng trầm của đất nước, được gìn giữ và truyền lại cho đến ngày nay cũng như từ lúc nằm nôi đến khi trưởng thành của một con người
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui .
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!
    “Tiếng nước tôi” còn truyền tải cả một dòng chảy văn hóa dân tộc, những bài ca dao, tục ngữ, điệu lý câu hò, những câu chuyện dân gian, những bài đồng dao... là phương tiện truyền tải từ những tâm tư tình cảm của mỗi con người tới một niềm tin vào sự trường tồn của dân tộc
Tôi yêu tiếng ngang trời.
Những câu hò giận hờn không nguôi!
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi.
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

    Ở phần tiếp theo, cảnh vật quê hương đất nước hiện lên qua những ruộng đồng, sông núi, nối liền từ Bắc vào Nam:

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh.
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình.
Nhìn trùng dương hát câu no lành.

Từ núi cao xuống đồng bằng, từ ruộng đồng vươn ra biển lớn, từ Bắc vào Nam với hình ảnh của dãy Trường Sơn hùng vỹ, của những ruộng lúa thẳng cánh cò bay

Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn.
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng.
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

    Và không thể thiếu, đó là hình ảnh 3 con sông, những địa danh thân thuộc với từng vùng miền đất nước cũng hiện lên trong những câu ca. Sông Hương thơ mộng trữ tình, Cửu Long hiền hòa đem lại màu mỡ cho những ruộng lúa phì nhiêu và Sông Hồng cuộn sóng, khởi nguồn của nhiều cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc

Tôi yêu những sông trường.
Biết ái tình ở dòng sông Hương.
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

    Tất cả như cất lên lời ca hòa vào bản nhạc vĩ đại của đất nước, kêu gọi người Việt hãy thấu hiểu và yêu thương nhau, cùng chung tay xây dựng đất nước như câu kết của phần thứ hai

Người yêu thế giới mịt mùng.
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng ư đồng Việt Nam.
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng là hàng mến nhau.

    Phần thứ ba, ông dành ca ngợi những con người Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó những cũng hiên ngang trước thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên xây dựng cuộc sông ấm nó. Không bắt đầu từ những ông hoàng bà chúa, những danh nhân văn võ mà ông bắt đầu từ hình ảnh người nông phu rám nắng, bà mẹ quê cần cù và những đứa trẻ ngây thơ. Và cũng chính những con người đó, đã đi dọc chiều dài đất nước để gìn giữ và mở rộng bờ cõi Việt Nam

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu.
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo.
Mình đồng da sắt không phai màu.

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao.
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi!
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao.
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!

    Trong suốt cuộc hành trình lịch sử đó, không thể thiếu những con người kiệt xuất, những con người đã ngã xuống cho đất nước, cho dân tộc, những chiến công lừng lẫy. Phạm Duy đã viết về họ một cách đầy tự hào những cũng không kém phần xót xa

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa.
Những anh hùng của thời xa xưa.
Những anh hùng của một ngày mai.
” 

   Bằng tình yêu quê hương đất nước, Phạm Duy đã viết nên một tác phẩm đặc sắc, đi sâu vào lòng người, để lại rất nhiều cảm xúc, vui buồn trong từng lời ca, tiếng nhạc.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài ư bài Tình Ca.
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà.
Lòng tôi đã nở như là ừ là đóa hoa.